Mùa hè dùng điều hòa sẽ khiến hóa đơn tiền tăng chóng mặt. Thế nhưng, nếu biết những mẹo vặt này sẽ giúp gia đình bạn sử dụng điều hòa thả ga mà cuối tháng không lo tốn tiền điện.
Mùa hè nắng nóng, điều hòa dường như trở thành vật bất li thân của hầu hết các gia đình. Song, đi kèm với đó là nỗi lo hóa đơn tiền điện cuối tháng lại tăng chóng mặt.
Thực tế, tháng này mới chớm hè với những đợt nắng nóng đầu tiên, nhiều gia đình đã tá hỏa vì hóa đơn tiền tăng gấp rưỡi, thậm chí có gia đình tăng gấp 2-3 lần, mà nguyên nhân chínhlà do phải bật điều hòa thường xuyên.
Vậy làm thế nào để tiết kiệm tối đa tiền điện khi sử dụng điều hòa vào mùa hè? Theo các chuyên gia điện máy, nếu áp dụng những mẹo vặt sau đây khi sử dụng điều hòa sẽ giúp tiền điện giảm đáng kể.
1. Điều chỉnh nhiệt độ phòng hợp lý, không bật/tắt nhiều lần
Nhiều người vừa ra ngoài nắng về thường có thói quen để điều hòa ở chế độ làm lạnh nhanh hoặc nhiệt độ rất thấp để nhanh được tận hưởng không gian mát lạnh. Tuy nhiên, việc làm này vô tình khiến điều hòa phải chạy hết công suất - tiêu tốn rất nhiều điện năng để làm lạnh và duy trì mức nhiệt thấp trong thời gian dài.
Cài đặt điều hòa ở mức nhiệt độ hợp lý sẽ tiết kiệm được điện năng |
Hãy nhớ rằng, cứ mỗi khi bạn giảm 5 độ C thì điều hòa sẽ tiêu tốn thêm khoảng 40% điện năng. Không những thế, nhiệt quá thấp còn khiến sức khỏe bạn không tốt.
Thế nên, nếu muốn tiết kiệm điện thì ban ngày nên cài đặt điều hòa ở mức nhiệt độ từ 23-25 độ C, ban đêm cài đặt ở mức nhiệt độ từ 25 đến 28 độ C. Đây là mức nhiệt độ thích hợp để máy lạnh hoạt động một cách tối ưu nhất, không tốn quá nhiều điện năng mà vẫn duy trì một nhiệt độ vừa phải và phù hợp.
Ngoài ra, để tiết kiệm điện năng không nên bật tắt điều hoà nhiều lần. Thực tế, nhiều người nghĩ tiết kiệm điện bằng cách bật điều hòa đến khi nào phòng mát thì tắt đi, bật quạt cho đỡ tốn, khi nào phòng nóng tiếp tục bật lên. Thế nhưng, cách này lại tiêu tốn điện năng hơn do điều hòa phải khởi động lại nhiều lần, khiến máy hỏng nhanh hơn.
2. Dùng chế độ Cool, tuyệt đối không chuyển sang chế độ Dry
Nhiều người rỉ tai nhau khi dùng điều hoà hãy để ở chế độ Dry (biểu tượng hình giọt nước) thay cho chế độ Cool để tiết kiệm điện gấp 10 lần. Thế nhưng, theo các chuyên gia điện máy, vào những ngày nắng nóng kinh hoàng thì hãy cài đặt ở chế độ Cool để làm mát căn phòng, tuyệt đối không cài đặt ở chế độ Dry.
Nguyên nhân, chế độ Cool (mục đích chính là làm lạnh) có tác dụng giảm nhiệt độ phòng xuống đến nhiệt độ cài đặt mong muốn trên điều khiển từ xa và duy trì nhiệt độ đó trong thời gian dài, đồng thời nó cũng khống chế một phần độ ẩm trong không gian điều hòa. Trong khi, chế độ Dry (mục đích chính là khử ẩm) thực hiện chức năng khử độ ẩm của không khí trong phòng và duy trì nhiệt độ phòng không vượt quá so với nhiệt độ của phòng lúc bắt đầu thực hiện chế độ khử ẩm.
Các chuyên gia khẳng định, điều hoà cài đặt ở chế độ Cool sẽ làm căn phòng mát hơn cài đặt ở chế độ Dry. Đặc biệt, những ngày nắng nóng lên tới trên 40 độ C thì chế độ Dry hầu như không có tác dụng, chỉ làm căn phòng nóng khô và khó chịu. Do đó, muốn căn phòng mát mẻ người dùng hãy cài đặt ở chế độ Cool để điều hoà làm việc hiệu quả nhất.
3. Để chế độ quạt gió tự động
Nhiều người hay điều chỉnh quạt gió thổi mạnh vào một hướng nhất định để lấy được nhiều hơi lạnh, nhưng làm như vậy sẽ gây lãng phí.
Bởi vậy, bạn nên bật quạt gió điều hòa ở chế độ tự động. Lúc này, gió sẽ phân bố đều, giúp tiết kiệm điện điều hòa vì công suất thổi tự động của quạt nhỏ hơn các chế độ khác.
4. Đóng kín các cửa phòng
Khi sử dụng điều hòa, nếu mở cửa thì khí lạnh sẽ bị thoát ra ngoài, nhiệt độ bên ngoài sẽ tác động đến nhiệt độ trong phòng, do đó máy lạnh sẽ phải hoạt động nhiều hơn và tốn rất nhiều điện. Để tiết kiệm điện, khi dùng điều hòa hãy đóng kín các cửa tránh thoát nhiệt ra bên ngoài.
Cũng nên tránh sự trao đổi nhiệt với bên ngoài khi sử dụng điều hòa. Bởi, ánh nắng mặt trời có thể làm nhiệt độ phòng tăng lên,điều hòa cũng sẽ phải hoạt động nhiều hơn để làm mát phòng. Ngược lại, việc che kín phòng (bằng rèm cửa) có thể ngăn ánh nắng, tránh nhiệt độ phòng tăng lên. Như vậy, căn phòng vẫn mát mẻ mà điều hòa sẽ không phải hoạt động liên tục, điện cũng không tốn quá nhiều.
5. Sử dụng điều hòa kết hợp với quạt điện
Vừa bật điều hòa và quạt trần, hoặc quạt cây, khiến chúng ta có cảm giác "tốn gấp 2 lần điện". Tuy nhiên trên, thực tế, đây lại là một trong những biện pháp đơn giản mà hiệu quả tới không ngờ trong việc làm mát căn phòng, lại tiết kiệm điện.
Khi được kết hợp, quạt điện sẽ giúp nâng cao khả năng lưu thông không khí lạnh ra khắp phòng, vừa làm mát vừa nhanh, vừa dễ chịu hơn hẳn. Bạn không cần phải giảm nhiệt độ xuống quá thấp, nhờ đó tốn ít điện hơn. Thêm vào đó, quạt sử dụng điện ít hơn máy lạnh nên khi kết hợp cả hai thiết bị này sẽ tiết kiệm được rất nhiều năng lượng.
Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng quạt trần trong khoảng 15-20 phút đầu khi khởi động điều hòa, sau đó nên tắt bớt quạt nếu trong phòng đã lạnh, tránh lãng phí điện.
6. Vệ sinh bộ lọc ở dàn lạnh 2 tuần/lần
Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi bộ lọc bám bụi, công suất hoạt động của điều hòa có thể giảm đến 15%, qua đó tiêu tốn nhiều điện năng hơn trong quá trình hoạt động. Thế nên, việc tháo lưới lọc ở dàn lạnh vệ sinh sạch sẽ bụi bám vào cũng là cách để tiết kiệm điện. Nên vệ sinh lưới lọc 2 tuần/lần.
Ngoài ra, để điều hòa hoạt động tốt nhất, cần định kỳ bảo dưỡng, vệ sinh lau chùi máy thật sạch 6 tháng/lần. Nếu sử dụng nhiều thì nên 4 tháng bảo dưỡng một lần.